Hồ Thác Bà đẹp mê mẩn

Hồ Thác Bà của tỉnh Yên Bái, nơi được ví như "Hạ Long trên núi" giữa đại ngàn Tây Bắc vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng trở thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc tế.

Hồ Thác Bà nằm trên địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên của tỉnh Yên Bái. Hồ rộng gần 20.000 ha diện tích mặt nước, dài 80 km, sức chứa từ 3 đến 3,9 tỷ m3 nước. Đây là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, được ví như "vịnh Hạ Long" trên núi cao của vùng Tây Bắc với hơn 1.300 đảo lớn nhỏ.

Hồ Thác Bà được hình thành khi xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà từ những năm 1962. Được bao quanh bởi những ngọn núi xanh tươi cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi. Nơi đây hiện là điểm du lịch hấp dẫn du khách gần xa.

Năm 1996, hồ Thác Bà đã được công nhận là Di tích lịch sử danh thắng quốc gia và định hướng quy hoạch xây dựng hồ Thác Bà thành khu du lịch hấp dẫn.

Ngày 10/5/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040.

Theo quy hoạch, sẽ xây dựng và phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà thành một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước. Phấn đấu đến năm 2040, toàn Khu du lịch trở thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa có thương hiệu, với sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế.

Quy hoạch xác định đây là Khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với giá trị văn hóa dân tộc và hệ sinh thái hồ Thác Bà; là một trong những khu du lịch quốc gia có thương hiệu, gắn với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, lịch sử, văn hóa, tham quan, nghiên cứu.

Đây còn là vùng bảo tồn, phát huy giá trị sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa đặc thù của quốc gia; là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia; vùng bảo đảm an ninh năng lượng, cấp nước, thủy lợi cho vùng đồng bằng sông Hồng.

Trong việc quy hoạch phát triển, bảo đảm khả năng tích hợp đồng bộ các nhóm ngành kinh tế. Kết hợp hài hòa giữa phát triển du lịch và phát triển đô thị, nông thôn bền vững trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống...

Ngoài ra, bảo vệ và phát huy giá trị mặt nước hồ Thác Bà, hệ thống các đảo trong lòng hồ, các hang động tự nhiên, cảnh quan ruộng bậc thang đặc trưng; các làng, bản dân tộc truyền thống và điểm danh thắng hấp dẫn trong Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.

Nguồn: tienphong.vn